Gọi về với ba
Hôm nay gọi về hỏi thăm ba, nghe ba kể chuyện về một tuần vừa qua. Ba cũng bảo: " Giờ về ở làng vắng hoe, thanh niên thì đi cả rồi, còn mấy ông bà già còm còm, đi qua chó cũng chẳng muốn sủa nữa", tự dưng thấy đau lòng. Thực ra không chỉ ở quê mình, mà nhiều vùng quê khác cũng vậy. Chính bản thân mình cũng lựa chọn một thành phố khác để cày cuốc kiếm một cuộc sống tốt hơn, chính mình cũng chưa có ý định trở về, nên cũng chẳng thể phán xét ai cả. Nhưng thực sự thì một nét vẽ vùng quê đã mất đi rồi. Nét vẽ về sự bình yên. Là bình lặng và an yên.
Dòng người ở thành phố vội vã, vô tình với nhau. Dòng người ở làng quê "chậm chạp", muốn tình cảm với nhau cũng chẳng còn tuổi trẻ và sức khoẻ. Người trẻ ở thành phố, đến việc dừng lại để thở cũng không dám, người già ở vùng quê, muốn gắng sức thêm một chút cũng không dám.
Ở những vùng quê, nhà lầu bắt đầu mọc lên, quán xá mọc lên, nhưng cũng không thu hút được đám trẻ quay về, chỉ làm cho người già đã cô quạnh lại càng cô quạnh.
Đâu còn những ngày tụi nhỏ còng lưng đạp qua đoạn đường phơi đầy rơm rạ, mà rơm cuốn vào đầy bánh xe. Đám trẻ nhỏ bây giờ đi xe điện hết rồi, nhà ai cũng bếp ga, bếp điện, chẳng còn phơi rơm phơi rạ để đun nấu như trước đây. Tuổi thơ của chúng tôi, có cơ cực đấy, nhưng vui vẻ, hồn nhiên và đáng nhớ. Tuổi thơ đượm mùi khói bếp, mùi bùn đất, mùi lam lũ nhưng cũng đượm mùi của bình yên. Có một tuổi thơ, mà giờ muốn trở lại, cũng không được nữa.
Ba tôi đã có tuổi, nội tôi lại càng yếu hơn. Đôi khi nhìn những bóng lưng sương gió, về già là lui cui trong cái bếp nhỏ, thật đáng thương. Ba tôi là người phi thường, cũng là người chịu thương chịu khó nhất trong những người tôi đã từng gặp. Người đàn ông trả giá từng nghìn ở chợ, nhưng không ngần ngại bỏ ra tiền triệu để chúng tôi học đại học. Ai cũng quở ba mẹ tôi: "Cho ăn học chi cho nhiều, thấy con nhà ông A, bà B... nuôi đại học 4-5 năm rồi cũng về quê lấy chồng đó. Nhà tui là tui cho đi công ty rồi lấy chồng, chứ học hành chi cho nhiều." Vậy mà ba mẹ tôi, nuôi 2 đứa con đại học, không một lời oán than, chỉ nói: "Tụi bay muốn đi học, thì ba mẹ cho đi học, còn không muốn đi học, thì đi công ty, tau không ép". Thực ra nói là không muốn đi học thì đi công ty là nói vậy thôi, chứ ba mẹ muốn chị em tôi đi học, có nghề nghiệp, kiếm được tiền nuôi lấy thân mình. Đôi khi tôi nghĩ, mình học đại học 4-5 năm, ra đi làm chục năm đi chăng nữa, đã mua được cái nhà hay chưa. Vậy mà ba mẹ tôi, ở cái nơi đất cằn sỏi đá ấy, nuôi 3 đứa con ăn học, còn xây được nhà. Giỗ chạp, đám đình, ma chay, cưới hỏi,.. không vay ai một xu. Đủ để hiểu, hai con người phi thường đó, đã tằn tiện tới cỡ nào.
Hồi nhà tôi xây nhà, có một đợt trồng rất nhiều ngô nếp. Ăn từ non cho tới già, non thì luộc đến lúc già, sẽ thảy ra trộn với gạo rồi nấu ăn. Lúc đó thấy cơm độn với ngô vậy ngon lắm, cứ ăn thôi, chẳng nghĩ gì cả. Sau này khi mẹ tôi gần mất, bà hay hoài niệm, bà bảo có đoạn thiếu tiền, nên ăn uống tiết kiệm và cơm độn ngô đó là một phần trong đó. Không biết là bà nói, để chúng tôi sống tiết kiệm hay là sự thật nó như vậy, nhưng mỗi lần nghĩ đến, chẳng thể nào không nghẹn ngào.
Sau này chúng tôi đi làm, có tiền, cho ba cũng không lấy. Chuyển khoản ngân hàng thì ba lại đem đi gửi tiết kiệm cho tôi, thành ra mỗi lần về quê, trước khi đi thì dúi đâu đó một ít, lúc lên xe mới gọi, kêu tiền con cho ba để dưới gối, ba cất mà tiêu nhé. Lại nghe tiếng ông la mắng trong điện thoại, kêu cho ba làm chi, ba có tiền.... Ông la mắng, là sợ tôi không có tiền mà còn cho ông. Tôi 26 tuổi rồi, mỗi lần bắt xe vào lại thành phố, ba lại hỏi: "Còn tiền tiêu không, ba còn ít trong, cầm vô tiêu đỡ" Nhưng ba ơi, con 26 tuổi rồi, không làm được ông nọ, bà kia, không có nhiều để cho ba, chứ con không thể cầm của ba dù chỉ một đồng.
Một người đàn ông, dành cả đời để tiết kiệm, để sau này về già không cần nhờ tới con cháu, chỉ mong sau này: "Tụi bay đi rồi, còn hai ông bà choa ở nhà, bát canh rau muống luộc, con cá trích với bát cà muối là ngon lành", vậy mà cũng đứt gánh giữa đường, để rồi giờ đơn độc trong căn nhà vắng.
Một người đàn ông, bươn chải đủ nghề, cộc tính nhưng là người tử tế, thẳng thắn, thật thà..................
Gọi về với ba, để nghe ba càm ràm, la mắng, than thở, kể lể, thúc giục đôi câu để biết là, thật may mắn vì vẫn còn ba - người đàn ông mang cả bầu trời cao rộng, may mắn vì vẫn còn nơi để trở về và còn nơi để nhớ về...
Comments
Post a Comment